Có nên dùng khóa cửa điện tử? Những lưu ý khi sử dụng khóa điện tử

Với độ an toàn cùng những tiện ích mang lại, khóa cửa điện tử đang ngày càng thay thế khóa cửa truyền thống. Cùng tham khảo bài viết sau để biết có nên dùng khóa cửa điện tử hay không và những lưu ý khi chọn mua khóa điện tử cũng như lưu ý cách sử dụng khóa cửa điện tử sao cho tối ưu hóa được hết các chức năng của khóa và đảm bảo tuổi thọ của khóa nhé!

Khóa cửa điện tử là gì? Cấu tạo, nguyên lý hoạt động của khóa cửa điện tử

Khóa điện tử là loại khóa đặc biệt dùng các chức năng thông minh để mở cửa thay vì phải mở bằng chìa khóa cơ như các loại khóa thông thường khác. Loại khóa này được thiết kế sang trọng phù hợp với mọi ngôi nhà hiện đại, căn hộ chung cư, biệt thự hay khách sạn.

Trên thị trường hiện nay có rất nhiều các loại cửa điện tử, điển hình như khóa vân tay, khóa thẻ từ, khóa mật mã và khóa điều khiển từ xa.

Khóa cửa điện tử có cấu tạo phức tạp, gồm phần thân khóa và bộ phận cảm cảm biến vân tay hay mật khẩu, bộ phận đọc thẻ từ. Phần thân khóa gồm mặt trước khóa, mặt sau khóa và bộ phận chìm. Khóa điện tử có thêm mạch điện tử và thiết kế cơ khí đặc biệt nhằm kết nối giữa điện tử tới chốt tay khóa để điều khiển quyền mở cửa.

Khóa cửa điện tử sử dụng nguồn pin AA, thời gian sử dụng từ 6 đến 12 tháng tùy theo mức độ sử dụng khóa.

Có nên dùng khóa cửa điện tử hay không?

Ưu điểm của khóa cửa điện tử

Ưu điểm dễ thấy là khóa cửa điện tử có tính an toàn, bảo mật cao. Vân tay ở khóa cửa điện tử rất khó làm giả, đồng thời có thể kiểm tra lịch sử ra vào cửa để quản lý an ninh tốt hơn. Hơn thế nữa khi có hành động bất thường cùng hiện tượng cạy phá thì khóa sẽ phát âm thanh báo động.

Các cách thức hoạt động đa dạng của khóa điện tử như vân tay, thẻ từ, mật mã,… cho bạn có nhiều lựa chọn hơn, đồng thời giúp các thành viên trong gia đình không cần mang theo chìa khóa vẫn vào được nhà, khắc phục tình trạng bị mất chìa khóa.

Thao tác đơn giản, tiện lợi của khóa điện tử giúp bạn tiết kiệm thời gian. Đặc biệt, khi vội không có thời gian đóng cửa thì cửa sẽ tự động đóng lại.

Sử dụng khóa điện tử giúp bạn kiểm soát chặt chẽ hoạt động ra vào cửa, bao gồm thời gian, ngày, giờ. Đồng thời bạn cũng có thể quyết định ai là người có thể mở cửa trong khoảng thời gian nhất định.

Sự hiện đại của khóa điện tử đi kèm với tính thẩm mỹ cao, đẳng cấp góp phần làm cho ngôi nhà của bạn đẹp và sang trọng hơn.

Nhược điểm khóa điện tử

Khóa điện tử rất khó lắp đặt, bạn không thể tự lắp đặt được nếu không có kinh nghiệm, cần phải có kỹ thuật tay nghề trong lĩnh vực lắp đặt thì cửa mới hoạt động. Bạn cần phải liên hệ nhân viên kỹ thuật có chuyên môn để đảm bảo khóa hoạt động đúng.

Khóa điện tử chưa được sử dụng phổ biến vì giá thành của loại khóa này cao hơn khóa thông thường rất nhiều. Thậm chí, những loại khóa cao cấp có thể lên đến hàng chục triệu nên những gia đình có điều kiện mới sử dụng được.

Có nên dùng khóa điện tử hay không?

Với những ưu điểm mà khóa điện tử mang lại, gia đình bạn nên trang bị ngay loại khóa này để bảo vệ an toàn hơn cho tổ ấm của mình. Tùy vào tình hình tài chính và thiết kế cửa của gia đình mà bạn có thể cân nhắc chọn loại khóa cho phù hợp.

Lưu ý khi chọn mua khoá điện tử

Lựa chọn loại khoá phù hợp với nhu cầu

Mỗi loại khoá điện tử sẽ tích hợp nhiều cách mở khác nhau, bạn cần nắm rõ đặc điểm của từng cách mở để lựa chọn đúng loại phù hợp với nhu cầu của mình:

– Khóa điện tử mở bằng vân tay: có độ bảo mật cao do mỗi người chỉ có một mã vân tay, phù hợp với hầu hết các hộ gia đình, nhưng những nơi đông người ra vào như khách sạn, nhà nghỉ thì không nên dùng do yêu cầu cài đặt riêng vân tay của từng người cụ thể.

– Khóa điện tử mở bằng mật mã: dễ dàng mở cửa cho bạn bè, người thân vào nhà thông qua chia sẻ mật mã.

Tuy nhiên, cách mở này sẽ không phù hợp với gia đình có con nít và người lớn tuổi, do phải ghi nhớ và nhập chính xác cả dãy mật mã.

– Khóa điện tử mở bằng thẻ từ: phù hợp với mọi hộ gia đình, kể cả những nơi có lưu lượng người đông, như khách sạn, văn phòng, chỉ cần nhận thẻ từ là có thể mở cửa được, không cần cài đặt trước.

Nhược điểm là dễ xảy ra sự cố nhưng quên hoặc làm mất thẻ từ.

– Mở khóa điện tử từ xa: thường có giá thành cao hơn các loại còn lại, phù hợp với những người muốn kiểm tra lịch sử hoạt động của khóa trên điện thoại và có nhu cầu mở khoá từ xa mà không cần đến gần cửa. Bao gồm: mở khoá bằng remote, mở khoá bằng Bluetooth, mở khoá bằng Wifi, 3G/4G.

Nếu chọn lắp khóa cổng ở ngoài trời, bạn cần quan tâm đến yếu tố chống ẩm, chống nước để tránh làm hỏng mạch điện tử của khoá.

Lựa chọn loại cửa phù hợp để lắp khoá

Không phải tất cả loại cửa đều phù hợp để lắp khoá điện tử, bạn nên chú ý đến yếu tố này trước khi lắp đặt khoá.

Có 4 loại chất liệu cửa phù hợp nhất: gỗ, sắt, thép chống cháy và kính cường lực. Các chất liệu gỗ, sắt, thép thường phù hợp với tất cả loại khoá. Riêng kính cường lực vì có cấu trúc đặt biệt nên chỉ phù hợp với những loại được thiết kế riêng cho cửa kính. Bạn nên nói rõ với nhân viên tư vấn bán hàng về chất liệu cửa nhà mình để có được sự tư vấn tốt nhất.

Ngoài chất liệu, bạn cũng cần chú ý đến kích thước cửa. Các loại cửa lắp khoá điện tử nên có độ dày ít nhất từ 40 mm – 60 mm, một số loại thậm chí còn yêu cầu dày hơn. Vì ruột khoá điện tử có kích thước to hơn khoá bình thường, nên nếu cửa quá mỏng sẽ rất khó lắp đặt.

Trong trường hợp cửa nhà bạn đang sử dụng sẵn một loại khoá khác, khi lắp đặt bạn cần đo đạc và xác định chính xác vị trí lắp đặt khoá mới có thể che được lỗ khoá cũ, nhằm đảm bảo tính thẩm mỹ cho căn nhà của bạn.

Lựa chọn nhà cung cấp uy tín

Để tránh mua phải hàng giả, nhái, kém chất lượng, ảnh hưởng đến độ an toàn của ngôi nhà, bạn cần tìm hiểu kỹ và lựa chọn mua khoá ở những nơi uy tín.

Một số hãng khóa điện tử phổ biến mà bạn có thể tham khảo: Philips, Dessmann, Samsung, Bosch, Kaadas, Adel, Kitos

Sau khi mua được loại khoá phù hợp, bạn nên liên hệ nhân viên kỹ thuật đến lắp ráp tại nhà để đảm bảo khoá được lắp đặt chính xác nhất.

Lưu ý khi sử dụng khoá điện tử

Thường xuyên vệ sinh và bảo trì khoá

Để đảm bảo khoá hoạt động ổn định, độ thẩm mỹ cao và thời gian sử dụng lâu, bạn cần lưu ý thường xuyên vệ sinh khoá. Khi kiểm tra phát hiện khoá có bụi, bạn chỉ cần dùng một khăn mềm nhúng nước, vắt thật khô và lau chùi khoá.

Lưu ý: tuyệt đối không sử dụng các dung dịch, chất tẩy rửa, các loại hóa chất công nghiệp để vệ sinh khoá, điều này sẽ làm hỏng kết cấu khóa, làm hư lớp bảo vệ bên ngoài, khiến khoá bạc màu.

Chú ý đến dung lượng pin

Khóa điện tử thường sử dụng pin AA. Trong quá trình sử dụng, bạn cần lưu ý thay pin để tránh các sự cố hết pin đột ngột. Sau đây là một vài dấu hiệu cảnh báo từ khoá khoảng 1 tuần trước khi hết pin:

– Đèn báo hiệu hiện liên tục.

Một số mẫu khóa các phím số sẽ nhấp nháy mỗi lần mở cửa và có hiển thị hình thanh pin có dấu gạch chéo.

– Chuông báo hiệu kêu liên tục hoặc kêu khi đóng/ mở cửa để báo hiệu cho người dùng.

–  Hoạt động chập chờn, lúc mở được, lúc không.

Lưu ý khi gặp sự cố hết pin khoá điện tử

Hầu hết các loại khoá điện tử hiện nay đều trang bị thêm chìa khoá cơ để người sử dụng có thể mở khi khoá hết pin đột ngột. Vì thế, bạn nên để chìa khoá cơ vào các vật dụng mình thường xuyên đem theo khi ra ngoài như ví, túi xách,… để có thể mở cửa khi khóa hết pin đột ngột.

Ngoài khoá cơ, bạn có thể dùng pin 9V để kích điện cho hầu hết các loại khoá.

Bạn chỉ cần để 2 cực của pin tiếp xúc xúc trực tiếp với 2 điện cực trên khoá (thường nằm ở dưới hoặc bên hông khóa cửa), giữ trong vòng vài phút là pin sẽ được cấp nguồn, sau đó bạn thực hiện mở cửa bình thường bằng các cách như vân tay, thẻ từ,…

Một số khoá sẽ có thiết kế điểm tiếp nguồn dạng chân cắm theo chuẩn điện thoại. Trong trường hợp này, bạn có thể dùng pin sạc dự phòng để tiếp nguồn cho khóa.

Khi đã vào trong nhà, bạn cần thay pin ổ khoá ngay để tránh sự cố lặp lại. Lưu ý là cần thay toàn bộ pin trong khóa và không dùng pin cũ chung với pin mới.

Lưu ý: Nếu đã thực hiện các cách trên, hoặc vì bất cứ lý do gì khác mà khoá không mở được, bạn cần liên hệ nhân viên bảo dưỡng để được hỗ trợ, tuyệt đối không được tự ý đưa vật sắc nhọn vào khoá hoặc dùng lực để phá khoá.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *